Skip to Main Content
Kinh nghiệm bảo quản và chăm sóc đồng hồ

KINH NGHIỆM BẢO QUẢN VÀ CHĂM SÓC ĐỒNG HỒ

Bảo quản, chăm sóc chiếc đồng hồ giúp bạn giảm được nhiều chi phí không đáng có, hãy dành một chút thời gian để chăm sóc vật bất ly thân này. Nhưng không phải ai cũng biết được cách bảo quản một chiếc đồng hồ một cách chính xác nhất. Nếu là chiếc đồng hồ có giá trị thấp hay bạn có nguồn tài chính dồi dào, bạn có thể vứt đâu cũng được, hỏng có thể thay chiếc đồng hồ khác. Điều mà tôi muốn nói trong bài viết này dành cho những ai yêu quý chiếc đồng hồ của mình, là bạn, vật kỷ niệm, một tài sản giá trị lớn hãy tiếp tục đọc.

Đồng hồ Quartz

Với những chiếc đồng hồ Quartz (năng lượng sử dụng là Pin) việc bạn phải làm với chiếc đồng hồ đó là hãy tránh xa những vật dụng có từ trường mạnh như Tivi, Tủ lạnh, Máy vi tính, Bếp từ, Loa. .. bởi ở những môi trường nhiều từ tính sẽ khiến Pin của đồng hồ nhanh hết, tụ điện của đồng hồ dễ nhiễm từ tính khiến bộ máy hoạt động không chính xác.

Đồng hồ cơ

Đối với các đồng hồ sử dụng bộ máy tự động (Automatic movement) hoặc lên dây (Handwinding movement), thì việc chỉnh lịch (đối với những đồng hồ có lịch) hay lên dây cót tránh thực hiện trong khoảng thời gian từ 21h00 - 03h00 hàng ngày. Bởi nếu thực hiện các thao tác trên trong khoảng thời gian này sẽ gây hư hại ngoài ý muốn cho hệ thống bánh xe của đồng hồ (nếu chiếc đồng hồ của bạn bị chết - ngừng chạy trong đúng khung giờ 21h00 - 03h00 mà bạn buộc phải lên cót hoặc chỉnh lại lịch để đeo, trường hợp này bạn chỉ cần rút chốt và chỉnh giờ đến 05h -> bất kể sáng-AM hay chiều-PM, rồi đóng chốt lại lên cót + chỉnh lịch, khi đồng hồ đã chạy thì rút chốt ra lần nữa để chỉnh đến giờ chuẩn hiện tại, nếu bạn muốn phân biệt sáng hay chiều thì chỉ cần chỉnh giờ 1 vòng qua 12h -> lịch nhảy là buổi sáng, lịch chưa nhảy là buổi chiều). Ngoài ra, không nên chỉnh giờ ngược với chiều kim đồng hồ hay nói cách khác là vặn chỉnh giờ ngược theo chiều thuận (trừ một số dòng đặc biệt cho phép vặn núm chỉnh lên hoặc xuống để chỉnh các kim giờ, múi giờ khác nhau), điều này sẽ làm cho các bánh răng, cót bị hư hại nghiêm trọng. Máy của chiếc đồng hồ cũng giống như bộ máy Xe hơi, nó cũng cần được bảo dưỡng thường xuyên để các bộ phận máy móc, các chi tiết tinh xảo kết hợp với nhau một cách ăn khớp nhất, giúp đồng hồ hoạt động luôn chính xác và tăng thêm tuổi thọ. Định kỳ, sau khoảng 2 năm hãy mang chiếc đồng hồ của bạn tới Đại lý ủy quyền chính hãng để kỹ thuật viên chuyên nghiệp về đồng hồ giúp bạn tra dầu và bảo dưỡng.

Đồng hồ Chronograph (Chức năng bấm giờ thể thao)

Đồng hồ có chức năng Chronograph bấm giờ thể thao bạn nên hạn chế sử dụng thường xuyên, liên tục vì nếu sử dụng chức năng này liên tục sẽ khiến pin của đồng hồ nhanh hết, bộ phận đếm và chia thời gian bị loạn chức năng. Khi đó bạn sẽ thấy các kim trên chiếc đồng hồ của mình thường bị lệch.

Đồng hồ Eco-Drive (Sử dụng năng lượng ánh sáng)

Đối với các loại đồng hồ dùng PIN xạc năng lượng mặt trời khi không sử dụng, để lâu trong tủ, hộp không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, Đồng hồ sẽ ngừng hoạt động. Nếu muốn Đồng hồ hoạt động trở lại hãy đem ra để nơi có ánh sáng mặt trời khoảng 15 phút, đồng hồ sẽ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không nên thương xuyên để lâu, sẽ làm pin bị chai (hết tác dụng), mặt khác nếu bạn để dưới ánh nắng nóng lâu sẽ làm hư hại đối với dây da.

Bảo quản và chăm sóc dây đồng hồ

Dây kim loại

Đối với đồng hồ dây kim loại trong quá trình sử dụng bị mồ hôi, bụi có thể sử dụng Kem đánh răng hoặc Nước rửa tay để làm sạch. Dùng bàn chải đánh răng cọ rửa nhẹ nhàng sau đó rửa lại kỹ bằng nước sạch, lau khô bằng khăn mềm. Điều này sẽ làm gia tăng tuổi thọ của đồng hồ. Không sử dụng bất kì dung môi, chất làm sạch, chất tẩy công nghiệp, chất dính, sơn hoặc các chất xịt công nghiệp lên bề mặt đồng hồ. Đóng chặt núm điều chỉnh để tránh bị nước thẩm thấu vào bên trong đồng hồ trước khi cọ rửa.

Dây da

Hiện nay, các dây đeo tay của đồng hồ làm bằng thuộc da được chế tạo rất đẹp, nếu được chăm sóc cẩn thật, chúng có thể giữ được độ bền trong một thời gian tương đối (khoảng 12 tháng). Tuy nhiên, vì là một chất liệu hữu cơ nên tuổi thọ của dây da thường bị giới hạn bởi các tác động từ môi trường, nước, đặc biệt là mồ hôi từ tay người đeo. Để bảo quản tốt dây da của đồng hồ và hạn chế dây da bị phai màu, mục nát cần tránh để chúng ở những nơi có độ ẩm cao, không nên đeo đồng hồ dây da khi rửa tay, tiếp xúc với nước hoặc đi dưới trời mưa. Dây da có một cấu trúc phức tạp, thẩm thấu được, nên cần tránh tiếp xúc với dung môi, chất tẩy rửa, nước hoa, và các loại mỹ phẩm, bởi vì những chất này có thể làm hư hại đến dây da của bạn. Khi thấy dây da của đồng hồ bị rạn nứt, mục nát cần thay ngay bằng dây da mới có kích cỡ tương đương, tránh để dây da bị đứt đột ngột đồng hồ sẽ bị rơi, vỡ, có thể hư hỏng các bộ phận khác nữa của đồng hồ.

Màu mạ của đồng hồ bao gồm (Vàng, vàng hồng, vàng đồng, bạc)

Bạn hãy nhớ rằng, mồ hôi chính là kẻ thù của lớp mạ, mặc dù công nghệ mạ vàng tiên tiến ngày nay giúp cho lớp mạ bền đẹp hơn, tuy nhiên mồ hôi của bạn có chứa nhiều muối, khi bám vào lớp mạ sẽ làm cho lớp mạ sỉn và bay màu trông không còn bóng bẩy nữa. Chính vì vậy, bên cạnh nơi để chiếc đồng hồ của bạn nên có sẵn một miếng bông nhỏ để lau mỗi khi bạn tháo nó ra, điều đó sẽ làm cho chiếc đồng hồ của bạn luôn sáng bóng và bảo vệ lớp mạ một cách rất tốt ! Hoặc nếu bạn là người không có kiểu chăm chút kỹ lưỡng như vậy, thì cứ từ 3 - 4 tuần, bạn nên dùng bông mềm thấm nước ấm rồi lau chùi chiếc đồng hồ của mình để gột bỏ lớp mồ hôi đang bám vào lớp mạ.

Những lưu ý cần thiết khác

Không nên thử độ cứng và chống xước của kính đồng hồ (Sapphire glass) bằng các vật có tính chất cứng hơn Sapphire như dao cắt kính, kim cương… vì như vậy sẽ làm hư hại kính đồng hồ.

Lưu ý đóng chặt núm điều chỉnh của đồng hồ sau khi chỉnh giờ hoặc lịch, để tránh nước có thể thẩm thấu vào bên trong đồng hồ.

Không nên đeo đồng hồ khi tắm nước nóng hoặc xông hơi vì sẽ làm hỏng gioăng bên trong đồng hồ, dẫn đến suy giảm khả năng chống thấm nước của đồng hồ.

Không nên đeo đồng hồ khi làm các công việc nặng, công việc có nhiều động tác va chạm với các vật dụng bên ngoài như: sửa chữa máy móc, khuân vác... vì vỏ đồng hồ, kính, dây đeo dễ bị trầy xước và hư hại.

Bộ máy của đồng hồ cơ nói chung (cơ, automatic, tourbillon) được chế tạo rất tinh xảo, với các bộ phận nhỏ xíu kết hợp với nhau, để đồng hồ hoạt động ổn định, bền lâu không nên đeo đồng hồ khi tham gia các hoạt động thể thao vận động mạnh như: Bơi lội, Bóng đá, Bóng chuyền, Quần vợt (Tennis)... (trừ những loại đồng hồ thể thao chuyên dụng).

MỘT SỐ THƯƠNG HIỆU KHÁCH HÀNG CÓ THỂ QUAN TÂM: ĐỒNG HỒ MOVADO | ĐỒNG HỒ BULOVA | ĐỒNG HỒ MONTBLANC

Nguồn Tổng hợp

0