Skip to Main Content
Cách lên dây Đồng hồ Automatic và Đồng hồ Manual

    Đồng hồ cơ là một cỗ máy thời gian hoạt động dựa trên sự chuyển động của các thành phần cơ học bao gồm lò xo, các linh kiện nhỏ, bánh răng và ốc ít được liên kết và vận hành cùng nhau với mục đích đếm thời gian trôi qua. 

    Quay ngược về lịch sử từ lúc đồng hồ thạch anh và đồng hồ tự động chưa ra đời, tất cả các mẫu đồng hồ cơ học đều phải được lên dây cót bằng tay để cung cấp năng lượng. Chúng thường được lên dây cót thông qua núm điều chỉnh, từ đó sẽ làm căng cứng dây cót (lò xo) nằm bên trong đồng hồ. Lò xo chính là nơi cung cấp năng lượng chính cho tất cả các mẫu đồng hồ cơ khí. Khi lên dây, lò xo sẽ được cuộn chặt, thông qua hàng loạt các thành phần cơ học bên trong, sức căng của lò xo sẽ được giải phóng dần và cung cấp năng lượng cho đồng hồ.

    Khi đồng hồ tự động (hay còn gọi là đồng hồ tự lên dây) ra đời, sự khác biệt của loại đồng hồ này là chúng được trang bị thêm rotor (bánh đà) ở mặt sau của bộ chuyển động. Rotor thường được tạo hình theo hình bán nguyệt và được kết nối với lò xò thông qua loạt bánh răng nhỏ. Khi đeo đồng hồ lên tay và hoạt động, rotor sẽ chuyển động trên một trục cố định như cánh quạt giúp lò xo chính cuộn chặt, từ đó cung cấp năng lượng cho đồng hồ mà không cần phải thao tác lên dây cót.

    Dây cót (lò xo) và những điều cần biết

    Mainspring hay còn được gọi là dây cót chính (lò xo) là một dạng lò xo xoắn có hình dạng giống dải dây ruy băng được làm từ kim loại. Công dụng chính của dây cót là cung cấp năng lượng cho toàn bộ chuyển động đồng hồ.

    Lịch sử của dây cót đồng hồ

    Dây cót chính xuất hiện lần đầu tiên trong những mẫu đồng hồ ở Châu Âu vào thế kỷ 15. Ban đầu nó là bộ phận thay thế cho một sợi dây quấn quanh ròng rọc - nguồn năng lượng chính được sử dụng trong tất cả các mẫu đồng hồ cơ trước đây. Bởi vì kích thước nhỏ và dễ sử dụng nên dần dần lò xo ngày càng trở nên phổ biến trong những chiếc đồng hồ thời điểm đó, đến năm 1600 chúng được sử dụng trong các mẫu đồng hồ bỏ túi (Pocket Watch). 

    Theo nhiều tài liệu ghi nhận, cha đẻ của lò xò đồng hồ là thợ đồng hồ ở Đức vào khoảng năm 1511 tên Peter Henlein, tuy nhiên cũng có một vài tài liệu ghi nhận một số mẫu đồng hồ đã sử dụng lò xo từ những năm đầu của thế kỷ đó (trước năm 1511).

    Lò xo đồng hồ
    Dây cót chính

    Chiếc lò xo đầu tiên được làm bằng thép và không hoạt động quá lâu mà phải lên dây cót cho nó hai lần một ngày. 

    Hiện nay ở những mô hình đồng hồ hiện đại lò xo chính là một dải kim loại cứng được làm từ hợp kim thép xanh hoặc hợp kim thép chuyên dụng dài từ 20 - 30cm và mỏng từ 0.05 - 0.2mm. Đôi khi các nhà sản xuất đồng hồ cũng sẽ sử dụng một vài chất liệu đặc biệt với khả năng không gỉ, có độ đàn hồi cao, không bị tác động bởi từ tính, ít chịu sự tác động bởi nhiệt và hầu như không có bất kỳ nguy cơ bị phá vỡ nào.

    Dây cót đời mới cho phép đồng hồ hoạt động trong phạm vi trung bình từ 36 - 40 giờ tức là chuyển động trọn vẹn 24 giờ đồng thời có mức năng lượng dự trữ từ 12 đến 16 giờ. Đây là tiêu chuẩn bình thường cho đồng hồ đeo tay lên dây cót thủ công hiện nay. Ở những mô hình đồng hồ có mức năng lượng dự trữ cao thì dây cót sẽ dài hơn, thùng chứa dây cót sẽ lớn hơn.

    Cách lên dây đồng hồ Manual (lên dây thủ công) và đồng hồ Automatic (lên dây tự động) 

    Đối với đồng hồ lên dây thủ công

    Bằng cách sử dụng núm điều chỉnh để lên dây cót cho đồng hồ, năng lượng sẽ được truyền tải vào dây cót. Nguồn năng lượng sẽ được phân phối dần dần đến các chuyển động cơ học bên trong thông qua bộ phận bánh răng.

    Khi lên dây cót bạn nên tháo đồng hồ ra khỏi cổ tay sau đó hãy thao tác. Tùy vào mẫu đồng hồ cơ lên dây thủ công của bạn ít hay nhiều tính năng hãy kéo núm điều chỉnh theo nấc yêu cầu.

    Xoay núm điều chỉnh như cách vặn một con ốc vít từ 30 đến 40 vòng đến khi nào cảm thấy căng cứng và không thể xoay được nữa, chú ý không nên lên dây quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến trục uốn lượn. 

    Sau khi đã lên dây cót xong bạn hãy nhớ chỉnh lại thời gian cho đúng và kéo núm điều chỉnh về vị trí cũ tránh để bụi hoặc nước xâm nhập vào bên trong máy.

    Nên lên dây cót cho đồng hồ cơ thủ công hằng ngày, thời điểm thích hợp là vào buổi sáng sớm để đồng hồ có thể hoạt động ổn định và vận hành chính xác.

    Đồng hồ lên dây tự động

    Đối với đồng hồ đeo tay tự động, nguồn năng lượng sẽ được tạo ra nhờ chuyển động của cổ tay người đeo, khi đó năng lượng sẽ được truyền đến lò xo chính thông qua hoạt động của bánh đà. 

    Quá trình này sẽ thay thế thao tác lên dây thủ công liên quan đến việc sử dụng núm điều chỉnh. Nguồn năng lượng sau đó sẽ được phân phối dần dần đến các chuyển động trong bộ máy trung tâm rồi sẽ truyền lên kim quay số. Bạn nên đeo đồng hồ mỗi ngày, vì là nguồn năng lượng lấy từ các chuyển động tự nhiên của cổ tay nên nó sẽ giúp đồng hồ luôn hoạt động ổn định.

    Rotor chuyển động trên đồng hồ cơ automatic
    Rotor chuyển động trên đồng hồ cơ automatic
    Nếu đồng hồ của bạn dừng lại vì lò xo đã giãn và bạn muốn cung cấp năng lượng cho nó thì bạn nên lên dây cót ở núm điều chỉnh, tuy nhiên khác với đồng hồ cơ thủ công, ở những cỗ máy cơ tự động sẽ không có trường hợp giới hạn số vòng lên dây nhưng cũng đừng vì thế mà lên dây cót quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến bộ phận bên trong. Nếu bạn là một người ít vận động nhưng yêu thích đồng hồ tự động thì hãy chịu khó lên dây cho chúng mỗi ngày hoặc tốt nhất là mang đến những trung tâm bảo dưỡng đồng hồ, tại đó sẽ có những bộ máy chuyển động riêng biệt chỉ dành cho việc nạp năng lượng cho đồng hồ tự động.

    Tổng kết

    Lên dây đồng hồ cơ là một trong những thao tác rất cơ bản mà khi bạn đã sở hữu một chiếc đồng hồ thì việc này bắt buộc phải hiểu và thao tác đúng. Đầu tư cho một chiếc đồng hồ cơ cao cấp không phải là một việc dễ dàng chính vì thế lên dây và bảo dưỡng đồng hồ đúng cách sẽ giúp cho cỗ máy của bạn có thể hoạt động lâu dài và mang đến những trải nghiệm thời gian chính xác nhất.
    Luxury Shopping
    0