MỤC LỤC
Có một nghịch lý hấp dẫn của đồng hồ đeo tay: Mọi nhà sản xuất đồng hồ vĩ đại trong lịch sử đều tìm cách chinh phục được độ chính xác lý tưởng của riêng họ, nhưng độ chính xác lại rất ít khi ảnh hưởng đến giá thành của đồng hồ.
Thật vậy, hầu hết các giai đoạn trong lịch sử của ngành chế tạo đồng hồ, một chiếc đồng hồ càng đắt tiền thì độ chính xác của nó càng kém. Ngày nay, độ chính xác của một chiếc đồng hồ sang trọng có thể được xếp hạng thấp hơn một vài yếu tố sau: giá trị của thương hiệu, nguyên vật liệu chế tạo, thiết kế, trang trí trong và ngoài bộ máy, hay các nhu cầu xa xỉ khác - chẳng hạn như một số lý do thuyết phục nào đó mà marketing của hãng đã dẫn dắt bạn tìm thấy động lực để sở hữu một chiếc đồng hồ xa xỉ.
Độ chính xác của đồng hồ là yếu tố “bình dân”, và do đó, nó không phải là những gì bạn nên mong đợi từ một chiếc đồng hồ cơ đắt tiền.
Tất nhiên, vạn vật đều có tính tương đối, nên không phải lúc nào cũng vậy. Đã từng có một thời kỳ hoàng kim của ngành chế tạo đồng hồ chính xác kéo dài từ những năm 1870 đến những năm 1970, khi đó hiệu suất của một chiếc đồng hồ tương quan chặt chẽ với giá trị và giá cả của nó.
Ở thời đại công nghiệp hóa của xe lửa và điện báo, và cho đến tận thế kỷ XX, nếu bạn đi du lịch, quản lý một doanh nghiệp hoặc một nhà máy, giữ chức vụ làm công hoặc đầu cơ trên thị trường chứng khoán, thì một chiếc đồng hồ đáng tin cậy cũng cần thiết như điện thoại di động bây giờ vậy.
Đó là thời đại của các cuộc thi trên đài thiên văn dành cho những người hùng chế tạo đồng hồ thời đó - những người điều chỉnh độ chính xác đã dành hàng tháng trời để chuẩn bị máy móc. Họ còn được gọi là “régleurs”.
“Chúng tôi là những đứa con cưng của ngành công nghiệp này.”
— François Mercier hiện 87 tuổi và là cựu nhân viên điều chỉnh đến từ thị trấn sản xuất đồng hồ Le Locle, Thụy Sĩ nhớ lại. Ông cũng là người đã sống những ngày vinh quang của thời đại cạnh tranh cho đến khi nó kết thúc vào đầu những năm 70.
“Đối với một số công ty, thành công tại các cuộc thi là rất quan trọng. Các ông chủ của công ty trở nên bị ám ảnh bởi kết quả. Họ có thể công khai rất nhiều về nó.”
“Nếu một chiếc đồng hồ chiến thắng trong một cuộc thi trên đài thiên văn hoặc một giải thưởng lớn như Prix Guillaume, régleur đó có thể nhận được một nghìn franc - tương đương với một tháng lương.”
Mercier từng làm việc cho Spiraux Réunis - hãng sản xuất lò xo cân bằng Isoval, đối thủ chính của hãng lò xo Nivarox. Khi Isoval giành được giải thưởng bù nhiệt tốt nhất, nhà sản xuất của no - Ernest Dubois đã trả cho những người điều chỉnh khoản tiền thưởng 500 franc.
— Nhà máy ở Geneva của Spiraux Réunis vào năm 1925. (Hình ảnh Bénédict Frommel et Tanari Architectes / Canton of Geneva)
Số tiền thưởng này là hoàn toàn xứng đáng bởi vì những chiếc đồng hồ đạt thành tích tốt trong các cuộc thi trên đài thiên văn đều được mua lại bởi một khoản tiền khá lớn, chẳng hạn như cuộc thi từng được tổ chức bởi đài thiên văn Neuchatel và Geneva ở Thụy Sĩ. Nhưng để bàn về mức độ uy tín cao phải kể đến các bài kiểm tra chronometer được thực hiện bởi đài thiên văn tại Kew-Teddington nằm ở ngoại ô London - nơi những chiếc đồng hồ cao cấp nhất đã nhận được chứng chỉ Kew “A” với lời khen “đặc biệt tốt”, nghĩa là hơn 80 điểm trên thang 100.
— Francois Mercier
Người đàn ông đã thiết lập các chuẩn mực của một chiếc đồng hồ cao cấp nhất là một trong những người anh hùng thầm lặng của đồng hồ. Giáo sư Emile Plantamour, giám đốc đài quan sát Geneva Observatory, nổi tiếng là người đã phát minh ra hệ thống đánh giá đồng hồ và vẫn được sử dụng cho đến hiện nay.
Nhưng có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu về đề tài này ở chương khác của chuỗi bài viết về độ chính xác của đồng hồ ở thời kỳ tiền thạch anh (trước khi đồng hồ quartz ra đời).
ĐỘ CHÍNH XÁC ĐỒNG HỒ - THƯỚC ĐO CỦA THỜI GIAN
Khi mua đồng hồ, bạn sẽ thường thấy một số thuật ngữ đi kèm với thông số biểu hiện độ chính xác của nó. Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu và phân biệt được những thuật ngữ theo hệ thống Plantamour này: accuracy, precision và rate - độ chính xác tuyệt đối, độ chính xác tương đối và sai số đồng hồ.
Không có bất cứ thương hiệu đồng hồ nào dám khẳng định rằng 100% sản phẩm của họ là chính xác tuyệt đối (accuracy). Những người thợ đồng hồ luôn hiểu rằng không có bộ máy đếm thời gian nào có thể đạt được độ chính xác hoàn hảo, bao gồm cả đồng hồ nguyên tử. Chúng đều có một lỗi không thể sửa chữa được: chúng đi nhanh hoặc chậm hơn so với thời gian thực.
Họ lập luận rằng độ chính xác hoàn hảo là một mục tiêu không thể đạt được và một chiếc đồng hồ chỉ có thể có độ chính xác tương đối. Mặc dù thừa nhận điều này có thể sẽ khiến các thợ đồng hồ lẫn những người bán đồng hồ phải chịu phàn nàn từ phía khách hàng, nhưng sự thật là vậy.
Thay vào đó, tuyên bố thường được nghe từ các thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ là “precision” - ở đây chúng ta có thể hiểu là độ chính xác tương đối. Giống như hầu hết các thuật ngữ chuyên ngành của đồng hồ Thụy Sĩ đều có nguồn gốc từ Pháp, nó tương tự như từ “précision”. Presicion cho thấy sự chuyên sâu trong sản xuất và lắp ráp đồng hồ, nhưng nó cũng đủ mơ hồ để không cam kết bất kỳ điều gì về hiệu suất của đồng hồ.
Trong khi accuracy là thước đo thời gian thực của đồng hồ mà hiện nay bạn có thể thấy nó trên máy tính hoặc điện thoại, thì precision lại liên quan đến “rate” - sai số của nó. Rate biểu thị cho số giây thêm vào hoặc mất đi trong một ngày của đồng hồ. Sự ổn định của rate là thước đo quan trọng nhất để đánh giá độ chính xác tương đối của nó. Nếu một chiếc đồng hồ thường xuyên chậm (hoặc nhanh) hơn thời gian thực khoảng 5 giây mỗi ngày, nó sẽ còn xa vời với từ accuracy nhưng lại cực kỳ gần gũi với từ precision.
— Một chứng nhận Kew “A” được trao cho đồng hồ đeo tay Rolex vào năm 1914
Trước đây, sự hữu dụng của sai số đồng hồ rõ ràng hơn bây giờ. Những người điều khiển phương tiện (tàu, thuyền, máy bay,...) cần phải biết sai số chính xác của chiếc đồng hồ đo thời gian của họ để có thể cài đặt lại giờ giấc cho đúng với thời gian thực mỗi ngày. Điều khiến họ quan tâm là sai số sẽ thay đổi như thế nào dưới sự tác động của nhiệt độ và vị trí. Sai số càng cố định, họ càng có thể tin tưởng vào chiếc đồng hồ của mình.
• Sai số không thay đổi - đồng hồ đạt được độ chính xác tương đối (precision) hoặc có thể gọi là độ chính xác tuyệt đối trên lý thuyết. Trường hợp này hình dung như nhiều viên đạn liên tiếp đều bắn xuyên qua cùng một cái lỗ, mặc dù cái lỗ đó không nằm ở hồng tâm.
• Sai số bằng 0 - đồng hồ đạt được độ chính xác tuyệt đối (accuracy). Đây có thể hình dung tương tự như trên, chỉ có khác một điều là cái lỗ lúc này nằm ở giữa hồng tâm.
Hệ thống đo lường sự thay đổi của sai số đồng hồ dưới ảnh hưởng khác nhau của nhiệt độ và vị trí được phát minh bởi Giáo sư Plantamour đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế. Tin chắc tiêu chuẩn này và những điều có liên quan sẽ là một phần thú vị của chương 2.
PHỤ LỤC: SO SÁNH ĐỘ CHÍNH XÁC
Cả hai bài kiểm tra COSC của Thụy Sĩ và Kew “A” của Anh quốc đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan đến sai số đồng hồ: chênh lệch trung bình trong một ngày so với sai số trung bình - ở mức 2 giây/ngày.
Nếu sai số của đồng hồ nằm trong tiêu chuẩn COSC từ -4 đến +6 giây/ngày, thì sự thay đổi lên đến 2 giây/ngày của nó dường như là một sự khoan dung khá lớn.
Tuy nhiên, một chiếc đồng hồ cao cấp phải nằm trong ngưỡng COSC. Theo thước đo của chứng nhận COSC, bộ máy Patek Philippe Calibre 215 đạt được mức biến thiên sai số trung bình là 0,6 giây/ngày (dựa trên một vài bộ chuyển động Cal. 215 ban đầu được nộp cho COSC), bị đánh bại bởi bộ máy đồng trục OMEGA Calibre 2500 Co-Axial cỡ lớn với 0,5 giây/ngày. Tiếp theo đó là sai số của chiếc đồng hồ Jaeger-LeCoultre Master Tourbillon đã giành chiến thắng trong cuộc thi đo thời gian của Thụy Sĩ năm 2009 rất khác biệt, trung bình chỉ 0,08 giây/ngày trong một chặng của bài kiểm tra.
Bộ máy Calibre 978 đã từng sử dụng trong chiếc đồng hồ Jaeger-LeCoultre Master Tourbillon chiến thắng Chronometrie 2009.
Nhưng danh hiệu chiếc đồng hồ chính xác nhất phải thuộc về OMEGA Calibre 47.7 được điều chỉnh bởi Alfred Jaccard. Vào năm 1936, nó đã đạt được điểm cao nhất từ trước đến nay tại Kew “A” - số điểm đáng kinh ngạc là 97,8 trên 100. Sai số trung bình của nó thay đổi 0,05 giây/ngày và kỷ lục này vẫn không hề bị phá vỡ cho đến cuối năm 1965.
Vì vậy, nếu bạn đang cân nhắc mua một chiếc đồng hồ được giới thiệu là "chính xác", hãy cân nhắc đến cả sự biến thiên trong sai số của nó nữa.
Luxury Shopping
Bình luận - Phản hồi