Skip to Main Content
ĐỒNG HỒ TACHYMETER LÀ GÌ? CÁCH ĐỌC - HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG & LỊCH SỬ

    Trước sự phổ biến ngày càng rộng rãi của đồng hồ chronograph, cụm từ “Tachymeter” trên vành bezel cũng xuất hiện nhiều hơn trong nhận thức của những người quan tâm đến đồng hồ đeo tay. Mặc dù có thể bạn đã nhìn thấy rất nhiều mẫu đồng hồ tachymeter trước đó, nhưng cũng có thể bạn chưa thực sự hiểu hoặc biết chính xác rằng nó hoạt động như thế nào. 

     

    đồng hồ tachymeter là gì hướng dẫn sử dụng

       

    Các mẫu Rolex Cosmograph Daytona, chữ "Tachymeter" được thay thế bằng "Unit Per Hous"

     

    Theo thời gian, cách chúng ta sử dụng đồng hồ đã thay đổi từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, tuy nhiên, dù là ở thời đại nào, phần lớn mọi người đều muốn sở hữu một chiếc đồng hồ với nhiều yếu tố phức tạp chỉ vì tính thẩm mỹ của nó chứ không hẳn là tính năng. Nói cách khác, có nhiều người mua đồng hồ chronograph tachymeter chỉ vì nó đẹp, chứ không hẳn sẽ dùng nó để bấm giờ hay đo tốc độ. 

     

    đồng hồ tachymeter là gì

     

    Mặc dù vậy, sự hiếu kỳ của con người là không có giới hạn. Khi bạn thật sự hiểu về chiếc đồng hồ của mình, nó sẽ trở thành một câu chuyện hấp dẫn để bạn mở đầu đề tài cho một cuộc trò chuyện thú vị. Cùng Luxury Shopping khám phá những kiến thức cơ bản về đồng hồ tachymeter - về cách hoạt động, lịch sử, một số chiếc đồng hồ tachymeter nổi tiếng và các thông tin hữu ích khác. 

    Đồng Hồ Tachymeter Là Gì?

    “Tachymeter” được tìm thấy trên các tài liệu nước ngoài như “a facility on a watch for measuring speed” - “một cơ sở trên đồng hồ để đo tốc độ”. Như vậy, đồng hồ Tachymeter là một loại đồng hồ đo tốc độ - một tính năng thường gặp trên các mẫu đồng hồ thể thao và đồng hồ xe đua với mục đích chính là đo tốc độ của xe trên một khoảng cách nhất định. Cụ thể hơn, đồng hồ tachymeter có thể được sử dụng để xem xe đua mất bao nhiêu giây để đi được một dặm. 

     

    đồng hồ tachymeter là gì

     

    Ngày nay, đồng hồ Tachymeter đã trở nên thông dụng và phổ biến hơn cho những mục đích sử dụng phi truyền thống. Các khách hàng yêu thích chúng phần lớn vì thiết kế đẹp mắt và hầu như không sử dụng đến chức năng của chúng. Trong khi một số người thích kiểu đồng hồ 3 kim đơn giản và thanh lịch, một số người khác lại thích những mẫu đồng hồ từ 6 kim với nhiều mặt số phụ và tính năng trên mặt số, theo đó, đồng hồ tachymeter có thể là một ví dụ đương đại điển hình. 

     

    đồng hồ tachymeter là gì

     

    Theo thời gian, tính hữu dụng của đồng hồ Tachymeter đã không còn rõ ràng như trước, nhưng trong quá khứ, nó đã được sử dụng để chuyển đổi [thời gian đã trôi qua] thành một tỷ lệ hoặc nói cách khác là từ giây chuyển thành những đơn vị “x” trên mỗi giờ.

     

    Ngoài ra, một lưu ý nữa đó là không phải chiếc đồng hồ chronograph nào cũng có tính năng tachymeter. Về cơ bản, Tachymeter chỉ là tên của một chiếc thang đo được tích hợp vào vành bezel hoặc mặt số của đồng hồ mà không phải cơ chế phức tạp được bổ sung thêm bên trong bộ máy.

    Cách Sử Dụng & Cách Đọc Đồng Hồ Tachymeter

    Thang tachymeter nằm trên vành bezel của đồng hồ và có thể đo được tốc độ dựa trên thời gian di chuyển trong một khoảng cách cố định. Tính năng này cho phép chuyển đổi thời gian đã trôi qua (tính bằng giây trên mỗi đơn vị) thành tốc độ tính bằng đơn vị trên giờ. Thang đo tachymeter và đo thời gian từ khoảng 7 giây đến 60 giây. 

    Thang Đo Tachymeter

    Thang đo tachymeter thường có một số dạng sau:

    • bắt đầu ở mốc 7 giây với 500 đơn vị tốc độ

    • bắt đầu ở mốc 6 giây với 600 đơn vị tốc độ 

    • bắt đầu ở mốc 9 giây với 400 đơn vị tốc độ

     

    đồng hồ montblanc tachymeter kiểu cổ điển

       

    Đồng hồ Montblanc 1858 Chronograph Tachymeter 1 nút bấm được thiết kế kiểu cổ điển với thang tachymeter nằm bên trong mặt số như một tính năng chính của đồng hồ. 

     

    Thang đo tachymeter cũng có thể được tìm thấy trên khung bezel hoặc một thang đo bao bọc viền ngoài của mặt số. 

     

    Về mặt toán học, phương trình cần tính là: T = 3600 / t 

     

    Trong đó “T” là giá trị thang đo tachymeter, “t” là thời gian đã trôi qua và 3600 là số giây trong một giờ. Tùy thuộc vào những gì mà bạn đang đo, có thể vận dụng nhiều toán học hơn liên quan đến việc tính toán tốc độ. 

    Đo Tốc Độ

    Để đo tốc độ, trước tiên bạn sẽ phải chỉ định số đo dù đó là dặm hay kilomet. Sau khi bạn đã xác định phép đo, bạn cũng phải đảm bảo rằng bạn có một đoạn đường chính xác, chẳng hạn như khoảng cách giữa hai điểm đánh dấu dặm khi bạn đang đi xuống đường cao tốc.

     

    Đến với một ví dụ sử dụng đồng hồ tachymeter để đo tốc độ. Xác định 2 điểm đánh dấu trên đường đi cách nhau 1 dặm.

    1: Bắt đầu bấm giờ khi bạn vượt qua điểm đánh dấu đầu tiên

    2: Dừng đồng hồ bấm giờ khi bạn vượt qua điểm thứ 2

    3: Quan sát kim giây thấy nó di chuyển quanh mặt số và dừng ở mốc 45. 

    4. Ở điểm bên ngoài mặt số hoặc trên vành bezel, mốc tương ứng là 80.

    Kết luận: Điều này có nghĩa là chúng ta đang di chuyển với tốc độ 80 dặm/giờ.

     

    cách sử dụng đồng hồ chronograph tachymeter để đo tốc độ

       

    Ví dụ về cách đo tốc độ bằng đồng hồ Tachymeter khi có được 2 điểm đánh dấu trên đường đi cách nhau 1 dặm.

     

    Chúng ta cũng có thể sử dụng phương trình đại số để tính toán: 3600/45 = 80. 

     

    Ở một khía cạnh phức tạp hơn (mà bạn có thể không đọc đoạn này), người ta có thể sử dụng đồng hồ tachymeter để đo một thứ gì đó ngay cả khi nó tốn thời gian nhiều hơn 60 giây. Giả sử người ta mất 100 giây để đóng gói một chiếc đồng hồ để vận chuyển. Như vậy, với 50 giây người ta có thể đóng gói xong nửa chiếc đồng hồ. 50 giây này vẫn nằm trong phạm vi hợp lệ của thang đo tachymeter thông thường. Kết quả là chúng ta có thể tính ra rằng: trong một giờ, người ta thực hiện được 72 lần đóng gói xong nửa cái đồng hồ (tương ứng với 36 cái đồng hồ được đóng gói xong). Kết quả có được theo quan sát - khi kim giây dừng ở vị trí 50, thì mốc tương ứng trên vành bezel tachymeter là 72.

    Đo Khoảng Cách

    Để đỡ choáng ngợp với toán học, chúng ta cũng có thể sử dụng đồng hồ tachymeter để đo khoảng cách. 

     

    Trước tiên, chúng ta cần biết mình đang đi với tốc độ bao nhiêu, sau đó có thể tính toán khoảng cách của mình theo cách tương tự. 

     

    Lấy ví dụ, giả sử như xe đang chạy có tốc độ 80 dặm/giờ, như vậy kể từ khi chúng ta bấm nút khởi động chronograph cho đến khi kim giây chronograph chạy đến vạch 80 trên thang đo tachymeter, chiếc xe của chúng ta đã đi được 1 dặm. 

     

    Hướng dẫn sử dụng đồng hồ chronograph để đo khoảng cách

        

    Ví dụ về cách đo khoảng đường đi khi đã biết tốc độ xe chạy là 80 dặm/giờ.

     

    Điều này tương đối hữu ích hơn, đặc biệt là khi bạn đang đi trên quốc lộ mà không tìm thấy cột mốc đánh dấu kilomet, hoặc một các khác để đo khoảng cách còn lại trên quãng đường đi khi đã biết tốc độ của mình.

     

    Tachymeter rất hữu ích để đo cả tốc độ và khoảng cách. Chúng trở nên dễ sử dụng hơn khi thực hành nhiều hơn, vì vậy đừng để một chút khó khăn cản trở việc sử dụng chức năng này trên đồng hồ của bạn. Thang đo tachymeter không chỉ là một thiết kế để cho đẹp, nó cũng mang đến những giá trị riêng và vì thế có thể tồn tại trong nhiều thập niên qua. Vì thế hãy biến nó trở nên gần gũi hơn với cuộc sống của bạn. 

    Lịch Sử Đồng Hồ Tachymeter

    Những nhận định cho rằng đồng hồ tachymeter được phát minh vào năm 1816 là không hoàn toàn đúng đắn. Thực ra đây là thời điểm ra đời của đồng hồ chronograph đầu tiên do Louis Moinet phát minh, nhằm mục đích kết hợp với thiết bị chiêm tinh, có khả năng đếm giờ chính xác vô song ở thời điểm đó - chi tiết đến 1/60 giây. 

     

    chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên trên thế giới do louis moinet phát minh năm 1816

     

    Chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên trên thế giới do Louis Moinet phát minh vào năm 1816

     

    Mặc dù đồng hồ tachymeter về cơ bản là một chiếc đồng hồ chronograph có thêm vành tachymeter, chính vì thế mà lịch sử của nó cũng là một phần của lịch sử đồng hồ chronograph. Tuy nhiên, chính xác mà nói thì lịch sử đồng hồ Tachymeter bắt đầu vào đầu thế kỷ XX. Phát minh này đã chứng kiến đồng hồ chronograph trở thành một công cụ vô giá trong hoạt động hàng hải, hàng không và điều hướng tàu ngầm, đồng thời cũng trở thành phụ kiện của các tay đua và phi công.

     

    lịch sử đồng hồ tachymeter vào đầu thế kỷ XX

    đồng hồ Zenith chronograph tachymeter những năm đầu thập niên 70

    Mẫu đồng hồ chronograph tachymeter của Zenith năm 1969

     

    Thời kỳ đầu, chúng được bán rộng rãi ngoài thị trường dân dụng với thang tachymeter được in lên viền ngoài cố định của mặt số. Năm 1958, công ty đồng hồ Heuer (hiện nay là TAG Heuer) đã giới thiệu một mẫu đồng hồ chronograph có thang tachymeter được khắc trên vòng bezel xoay để thực hiện các phép tính phức tạp hơn.

     

    Năm 1967, vành bezel tachymeter xoay được đưa vào phiên bản mới của Heuer Autavia. Sau đó, nó trở thành chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên có tính năng này. Autavia tiếp tục trở thành một trong những chiếc đồng hồ đeo tay phổ biến nhất dành cho các tay đua và những người đam mê đua xe.

     

    mẫu đồng hồ Heuer Auvita Tachymeter năm 1970

         

    Mẫu đồng hồ tachymeter Heuer Autavia những năm 1970 với thang tachymeter in trên vành bezel

    Nói đến đây, vành tachymeter xoay có gì khác biệt với tachymeter cố định?

    Vào thời kỳ đầu của loại thiết kế này, nó thực sự là một tính năng hấp dẫn và đặc biệt hiếm có. Rất khó để phát triển một thang tachymeter trên khung bezel có thể chuyển động được, vì vậy nó được nhiều người coi là rất đáng mơ ước. 


    Ban đầu, vành tachymeter xoay đã được tạo ra để đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi các mẫu đồng hồ có thang tachymeter cố định chỉ có thể ghi lại tốc độ trung bình của 1 dặm (hoặc 1km), rồi sau đó phải bấm nút reset để trả kim chronograph về vị trí “0” nếu muốn đo tiếp. Nhưng đối với loại đồng hồ có vành tachymeter xoay được, các tay đua có thể tính toán tốc độ trung bình cho mỗi dặm của cuộc đua bằng cách xoay vòng bezel. 

     

    đồng hồ bezel tachymeter xoay heuer thời kỳ đầu


    Chính vì thế, thiết kế này đã đưa Heuer lên đài vinh quang của thế giới đồng hồ thể thao và đạt được địa vị chưa từng có ở nhiều thập niên sau đó. Mãi đến tận ngày nay, khi công nghệ xe đua đã đạt đến điểm không cần phụ thuộc vào đồng hồ để tính toán tốc độ, nhưng thiết kế này của TAG Heuer vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn của những người đam mê tốc độ và đồng hồ chronograph.


    Ngày nay, thang tachymeter được đặt trên vành bezel (cả xoay được và không xoay được) là phổ biến nhất, vì tính tiện dụng và độ thẩm mỹ của nó. Với thiết kế này, các hãng sản xuất có thể tiết kiệm diện tích mặt số để trình bày những quan điểm chế tác đồng hồ của họ, cũng như tăng khả năng dễ đọc cần có cho một chiếc đồng hồ chronograph. 


    Ngoài ra, một số mẫu đồng hồ chronograph có thang tachymeter nằm bên trong mặt số vẫn được phát triển bởi một số hãng sản xuất đồng hồ hướng đến các thiết kế retro, hoặc có ý định hồi sinh một số mẫu đồng hồ cổ nổi tiếng như một sự tôn vinh đối với di sản thương hiệu.

     

    đồng hồ jaeger-lecoultre tachymeter lấy cảm hứng từ cổ điển

       

    Một mẫu đồng hồ chronograph tachymeter Jaeger-LeCoultre Polaris lấy cảm hứng từ đồng hồ xe đua cổ điển có thang tachymeter nằm ở viền mặt số.

     

    Và rằng, có lẽ chúng ta sẽ hiếm khi thấy được kiểu thiết kế này trên những mẫu đồng hồ chronograph hoàn toàn hiện đại. Trong số hiếm hoi đó có Zenith, tiêu biểu với dòng đồng hồ tachymeter Chronomaster Open lộ cơ 42mm là một phát triển hiện đại. Nhưng bạn cũng có thể nhầm lẫn với một số mẫu đồng hồ tachymeter Chronometer Revival lấy cảm hứng từ cổ điển. Nói chung, Zenith khá trung thành với kiểu thang đo tachymeter nằm cố định bên trong mặt số, cho dù là ở quá khứ hay hiện tại.

     

    Đồng Hồ Tachymeter Có Bền Không? Giá Bao Nhiêu? 

    Việc áp dụng thang đo tachymeter trên vành bezel có thể sẽ khiến nó trở nên dễ trầy xước và thậm chí bay số (đối với kiểu in thông thường). Không thể phủ nhận, dù là xài bất kỳ loại đồng hồ nào thì vành bezel cũng là nơi dễ trầy xước nhất. Tuy nhiên, các hãng sản xuất đồng hồ đã có những nỗ lực nhất định trong việc cải thiện, chẳng hạn như thay vì in thang tachymeter lên vành bezel, ngày nay nó đã được chạm khắc laser sắc sảo, hoặc được làm từ các vật liệu chống trầy khác như gốm công nghệ cao. 

     

    đồng hồ tachymeter có tốt không giá bao nhiêu


    Tương tự những những loại đồng hồ khác, chronograph tachymeter có thể sử dụng máy quartz hoặc máy cơ. Giá cả của nó cũng phụ thuộc nhiều về dòng máy, tính năng phụ, vật liệu chế tạo và tất nhiên quan trọng hơn cả là thương hiệu của nó.

     

    đồng hồ tachymeter có bền không giá bao nhiêu


    Một chiếc đồng hồ tachymeter chính hãng có thể xuất phát từ mức giá dưới 10 triệu VND (cho các thương hiệu không chuyên hoặc bán chuyên về đồng hồ) và có thể lên đến hơn 500.000.000 VNĐ (đối với các thương hiệu đồng hồ xa xỉ như Rolex, Omega, TAG Heuer,...)

     

     

       

    Đồng hồ chronograph tachymeter có thể đang nằm trong danh sách yêu thích của bạn, hay thậm chí nó đang được đeo trên cổ tay bạn, nhưng liệu bạn đã hiểu hết về chiếc đồng hồ của mình, cũng như biết cách sử dụng nó? Có thể nó sẽ không thật sự hữu ích trong mọi trường hợp trong cuộc sống, và rằng bạn mua nó chỉ vì nó đẹp, tuy nhiên việc am hiểu về đồng hồ cũng là thú vui của người sành đồng hồ. Tin chắc qua tìm hiểu cặn kẽ, bạn sẽ cảm thấy nó trở nên thú vị hơn. 

     
    0